Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2009

Can Tả Hương cống Phạm Khắc Sinh với dòng họ

Hậu duệ đời thứ 6 của Thủy tổ Võ Sơn hầu có vị Hương cống Phạm Khắc Sinh được các đời sau truyền gọi là Can Tả.
Thời Tây Sơn, Can Tả được sắc vua Quang Trung phong:
Chương-Đường nhị huyện dân sư
(Thầy của dân hai huyện Thanh Chương-Nam Đường )
Là thầy dân hai huyện Thanh Chương-Nam Đàn thuở ấy, vừa chăm nom nền Văn hóa giáo dục, Can Tả vừa phải đảm đương thêm những việc xã hội khác, việc xử kiện chẳng hạn.
Giai thoại về vụ kiện hai làng hai bên bờ sông tranh nhau chiếc bãi soi bồi quãng sông Lam gần núi Nguộc (Ngọc Sơn) kể rằng:
Về phía trên bãi soi (doi), can Tả cho thả quả bưởi giữa dòng sông rồi xem quả bưởi trôi vào lạch sông nào mà phân định thắng bại cho đôi bên. Làng thắng kiện xin hậu tạ nhưng ông một mực từ chối. Can Tả coi đó là điều thuận lẽ Trời mà họ được hưởng còn ông thì lo cho tròn bổn phận của người cầm cân nẩy mực mà hết sức công tâm, không được kể công sá ân huệ gì với ông ở đây cả.
Về đạo sắc vua Quang Trung (1788-1792) phong cho ông, rất tiếc là nay không còn ở nhà thờ Can Tả nữa.
Số là thế này: tháng 6-1963, trên đường từ Hà Nội về thăm quê, tôi[1] gặp anh Trần Đình Hượu bên bờ (tả ngạn) sông Mã, nơi đầu cầu Hàm Rồng về phía Bắc. Trong khi trò chuyện, anh Hượu nói: “Mấy tháng trước, mình có về lấy đạo sắc của Can Tả ở nhà thờ Họ các ông”. Tôi hỏi tới lý do thì anh Hượu nói đến việc tìm hiểu chữ Nôm thời Quang Trung và việc xếp hạng danh nhân văn hóa. Khi lưu ý về việc bảo quản báu vật thì anh Hượu nói: “Mình để ở Viện Bảo tàng Lịch sử”.
Qua đi cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Rồi lại qua đi hơn vài chục năm anh em ly tán, cách trở xa xôi.
Mãi tới cuối năm 1993, tôi mới dời về Vinh ở. Anh em bàn nhau tìm lại đạo sắc. Anh Phạm Đức Thớc bèn viết thư ngay cho anh Trần Đình Hượu. Thư chưa kịp tới nơi thì đã có tin buồn: Giáo sư Trần Đình Hượu từ trần.
Mong rằng các con cháu đời thứ 12, 13... của Đức Tổ sống ở Hà Nội lưu tâm tìm được đạo sắc của Can Tả đã lưu lạc trên 30 năm nay.
Can Tả không những có tài về chính sự mà tương truyền ông còn giỏi về thuật phong thủy. Từ việc làng nước dò tìm long huyệt để đặt đường sá, định hướng miếu mạo, đền đài... đến việc gia tộc họ hàng như chăm nom nhà thờ, phần mộ-về địa lý phong thủy, Can Tả còn tạo nên những gò đống bổ sung vào hình thế, địa hình tự nhiên-chẳng hạn Hòn Bút, Hòn Nghiên nhằm cho đời đời con cháu mai sau bảng vàng đỗ đạt, cho dù Ngài tự biết rằng do động chạm nhiều tới Thiên cơ mà riêng mình sẽ bị hãm.
Can Tả-Hương cống Phạm Khắc Sinh là con thứ hai của Hương cống Phạm Bá Thiêm (1710-1768). Được thụ chức Giảng dụ [Huấn đạo?] nên các đời sau gọi ông Cống Phạm Bá Thiêm là Can Giảng Dụ. Can Giảng Dụ là con cả can Sinh đồ Phạm Viết Bình (1672-1736).
Ngày xưa, hai ông đi đò dọc qua bến Thanh Đàm (nay là xã Nam Tân, Nam Đàn). Qua đây, hai cha con các vị có trò chuyện với nhau về nguồn gốc Tổ tiên. Can Tả chép lại như sau:
“Xưa, tiên công ta (tức là cụ Giảng Dụ) đi thuyền với cụ thân sinh qua bến Thanh Đàm. Cụ nói với cụ Giảng Dụ rằng:
-Tổ ta từ huyện Đông Thành đến đây hai anh em. Một ông vào ở làng này. Một ông vào ở giáp Thọ Sơn, thôn Địa Linh, xã Hoàng Xá tức vị Thủy tổ ta ngày nay”.
Về nguồn gốc họ Phạm ta-họ Phạm Đức ngày nay-ở xã Hoàng Xá nay là xã Thanh Long và Thanh Hà (huyện Thanh Chương, Nghệ An) trong bản dịch chữ Hán của mình, ông Phạm Đức Lệ (1906-1986) viết:
“Sách xưa chép: Tổ ta quán ở huyện Đông Thành. Đến vùng này có hai anh em. Một ông vào Bích Triều, thôn Đặng Xá. Một ông vào xã Quảng Xá, thôn Địa Linh, giáp Thọ Sơn là ông Thủy tổ ta ngày nay.”
Tóm lại, Thủy tổ ta là Võ Sơn hầu Phạm Viết Trù (Ghi theo sắc phong để ở nhà thờ Đại tôn) hay còn gọi là Phạm Khắc Trù (?) quán tại Đông Thành nay là huyện Yên Thành, Tỉnh Nghệ An.
Võ Sơn là địa danh, rất có thể là tên một ngọn núi. Còn hầu là tước, ở đây thuộc hạng quốc hầu.
Về nguồn gốc của Thủy tổ Võ Sơn hầu ta, câu đối của Cử nhân Phạm Đức Hoàn (1889-1954) ở nhà thờ Đại tôn còn ghi:
Đông Võ nguyên lai gia hữu thặng
Linh Sơn mạch diễn tộc nhi hương
Có thể tạm hiểu nôm na rằng: Thủy tổ Võ Sơn hầu nguồn gốc từ Đông Thành vốn nhà quyền quý tới sinh cơ lập nghiệp ở đất Linh Sơn (Địa Linh-Thọ Sơn) này, giòng tộc tiếp tục nảy nở sinh sôi thành làng xã đông đúc.
Tộc nhi hương-họ mà đã thành làng-từ trước đến nay. Từ làng quê cha đất Tổ xứ Hoàng Xá xa xưa, hậu duệ Thủy tổ Võ Sơn hầu Phạm Viết trù đã sinh cơ lập nghiệp rải rác nhiều nơi.
Cuối thế kỷ 18, theo Can Tả chép lại thì: “Bỏ quê đi Sơn Nam có Phạm Văn Di, ra Thăng Long có ông Đỉnh, ông Khoa và ông Nhã; vào Phú Xuân có ông Liên, thư ký Ý”.
Can Tả còn chép: “Hai anh em Phạm Dương thì một đi Phú Xuân, một đi Thăng Long”.
Liệu ngày nay ở Huế, Hà Nội và các nơi khác như Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên... đâu đó con cháu có ai còn chép được những ông Tổ họ Phạm có các quý danh như trên không? Xin dành phần trả lời cho các thế hệ đời 12, 13, 14,... sinh sống ở các vùng trên hiếu tâm tìm kiếm.
Hậu duệ đức Tổ Võ Sơn hầu không những rải suốt từ Bắc chí Nam ở trong nước mà còn ra cả nước ngoài làm ăn, cư trú. Chẳng hạn đời 10 có ông Phạm Đức Kham (Phiềng) sang tận Thái Lan làm ăn và hoạt động cách mạng trước cả ông Đặng Thúc Hứa (1870-1931), lập gia đình bên đó, biệt hẳn tung tích.
Mai sau, cảnh xuất ngoại chắc hẳn nhiều hơn. Khác với thời Can Tả, nay ly quê là hiện tượng lành mạnh cần được khích lệ. Có điều, dù đi đâu, ở đâu và thời nào đi chăng nữa-con cháu họ Phạm của đức Tổ Võ Sơn hầu-cũng nên luôn biết chung lòng góp sức, kề vai sát cánh cùng nhau hướng về Tổ tiên mà đùm bọc nâng đỡ nhau trong tình máu mủ cho trọn nghĩa đồng bào.
[1] Ông Phạm Đức Huân (1938-2004)-đời 11. Người biên soạn cuốn Gia phả chi họ Can Nhiêu Nam Phạm Bá Sảnh.

2 nhận xét:

  1. Có hai cụ quan nghè , đỗ tiến sĩ Phạm Khắc Khoan và Phạm Khắc Tĩnh sống ở thế kỷ 15-16 , gốc tại thôn Mạc Xá, xã Quang Phục, Tứ Kỳ, Hải Dương

    Vừa rồi tìm được mộ hai Cụ quan nghè.
    Xin liên hệ phamkhacnghiep@gmail.com hoặc qtngoc@gmail.com nếu có họ hàng.

    Ngày xưa cũng có họ Phạm Khắc khác đổi từ họ Mạc sang.

    Tương tự, họ Quách Hữu ở Quỳnh Lưu có gốc là Thái Thuỵ, Thái Bình

    Trả lờiXóa
  2. Không biết cháu nên xưng hô thế nào.Nhưng cháu cũng là họ Phạm Khắc. Cháu và họ hàng cũng rất mong tìm về cội nguồn của dòng tộc họ Phạm Khắc.Rất mong được hiểu và biết thêm về nguồn gốc của họ Phạm khắc.
    Email: dathanhhoa.com@gmail.com

    Trả lờiXóa

free counters