Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2011

Đi tìm quê gốc của Thủy tổ Võ Sơn hầu Phạm tướng công

Đình Phượng Lịch

NTT: Hơn 10 năm trước, xã Diễn Hoa của tôi làm hồ sơ đề nghị công nhận đình Phượng Lịch là di tích văn hóa – lịch sử, nhưng vẫn thiếu tài liệu nên nhờ tôi tìm kiếm thêm. Tôi nhớ là hồi kháng chiến chống Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về nói chuyện ở đình này nên tôi nhờ Trung tướng Cao Thượng Lương là người làng tôi, liên hệ với Đại tướng. Và thật vui, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cả Thượng tướng Hoàng Minh Thảo nữa, đã gửi ảnh chân dung với lời đề tặng sau ảnh là “để nhớ những ngày rèn quân luyện cán ở đình Phượng Lịch”. Hai tấm ảnh và bút tích của hai vị tướng đã được chụp lại đưa vào hồ sơ đình làng. Sau đó đình làng đã được công nhận là “Di tích văn hóa – lịch sử”.
Dưới đây là bài viết về đình làng Phượng Lịch trên website Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh:

Đình Phượng Lịch

Đình Phượng Lịch
BTXV: 17:15-21/05/2011
Đình Phượng Lịch nằm giữa làng Phượng Lịch (nay thuộc xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), cách thành phố Vinh khoảng 42 km về phía Tây Bắc.
Lúc mới xây dựng, ngôi đình này thuộc làng Phượng Lịch, xã phượng Lịch, tổng Lý Trai, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu. Theo sự biến đổi của đơn vị hành chính, từ năm 1945 đến năm 1954, làng Phượng Lịch nhập vào các xã: Đào Viên, Nam Giang, Hoa Lâm, Trung Diễn, Quảng Châu, Diễn Hoa (cũ). Từ năm 1969 đến nay, đình Phượng Lịch thuộc xã Diễn Hoa.
Du khách thập phương có thể đến di tích dễ dàng với nhiều loại phương tiện khác nhau. Xuất phát từ thành phố Vinh, du khách theo quốc lộ 1A đi về phía Bắc theo tuyến Vinh – Hà Nội, qua ngã ba Diễn Châu đến đài tưởng niệm liệt sỹ khoảng 100m rẽ trái theo đường liên xã khoảng 2km là đến di tích.
Nếu xuất phát từ phía Bắc, du khách theo quốc lộ 1A đi về phía Nam, qua Cầu Bùng (thuộc xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu) khoảng 1km, rẽ phải theo đường liên xã khoảng 2km là đến đình Phượng Lịch.
Làng Phượng Lịch là làng cổ, nằm ở địa thế thuận tiện về giao thông, có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế, đặc biệt có nghề dệt vải nổi tiếng. Vải của dân Phượng Lịch dệt ra gọi là vải Bùi, loại vải này cũng nổi tiếng như tơ lụa ở Quỳnh Đôi – Quỳnh Lưu với câu ca: “Sống mặc vải Bùi, chết vùi vàng tâm” (vàng tâm là gỗ quý)…
Song song với việc phát triển kinh tế, đời sống tinh thần của nhân dân cũng được nâng cao, nhân dân làng Phượng Lịch đã tạo dựng nên nhiều ngôi đình, chùa, việc tế lễ xưa được tổ chức lớn và thường xuyên.
Đình Phượng Lịch được nhân dân làng Phượng Lịch xây dựng từ năm 1866 để làm nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa của làng, về sau đình được xây dựng thêm nhà Tả vu, Hữu vu và Hậu cung để làm nơi thờ vọng các vị Thành hoàng của làng. Trước đây, đến các ngày lễ, nhân dân trong làng lại tổ chức rước long ngai, bài vị và nhiều đồ tế khí ở đền Phượng Lịch về bài trí tại tòa Hậu cung của Đình Phượng Lịch để thờ Thành hoàng là công chúa Hồng Thị Châu Nương (vợ 3 của Thượng tướng Trần Quang Khải).
Năm 1266, triều đình nhà Trần xuống chiếu cho Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải vào làm quản hạt Nghệ An với nhiệm vụ củng cố, xây dựng lực lượng ở phương Nam để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên. Công chúa Hồng Thị Châu Nương cũng theo chồng vào Nghệ An. Tại đây, bà đã chiêu dân lập ấp, mở ra một trang trại lớn gọi là Giang Lâm (gồm xã Hạnh Lâm và Đào Viên cũ) tức đất của xã Diễn Quảng, Diễn Hạnh và Diễn Hoa hiện nay. Tại Giang Lâm, bà đã dạy cho dân cách trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, trồng bông, dệt vải…Sau khi công chúa Hồng Thị Châu Nương qua đời, nhân dân làng Phượng Lịch đã lập đền thờ để tưởng nhớ công lao to lớn của bà.
Không chỉ mang nhiều giá trị văn hóa kiến trúc, mỹ thuật, nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa của làng, đình Phượng Lịch còn là di tích đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng quan trọng của địa phương, gắn liền với sự nghiệp giữ nước của dân tộc.
Trong phong trào yêu nước những năm đầu thế kỷ XX, theo tiếng gọi của cụ Phan Bội Châu, nhiều con em Diễn Châu đã hăng hái ra đi xuất dương tìm đường cứu nước. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930, Phủ ủy Lâm thời Diễn Châu cũng được thành lập vào tháng 7/1930.
Ban chấp hành lâm thời đã nhanh chóng phân công trọng trách cho từng đồng chí trong phủ ủy và mở rộng phát triển Đảng trong huyện.
Đầu tháng 11/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Diễn Hoa, Diễn Viên, Diễn Hạnh được thành lập – Chi bộ Nam Khoán gồm 4 đồng chí: Trần Hộ, Nguyễn Trân, Lê Hùng, Ngô Sỹ Quyền, do đồng chí Trần Hộ làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, các tổ chức: Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ, Phụ nữ giải phóng được thành lập và phát triển sôi nổi. Đình Phương Lịch đã trở thành địa điểm hội họp, in ấn tài liệu, báo chí, truyền đơn của Đảng và là nơi diễn ra cuộc biểu tình vào ngày 7/11/1930 của hàng trăm người dân các làng: Phượng Lịch, Trung Hậu, Đông Phái, Tràng Khê và các làng xung quanh. Quần chúng nhân dân mang theo cờ, khẩu hiệu đã tập trung tại đình rồi kéo về tổng Lý Trai đấu tranh. Sau khi làm lễ kỉ niệm 13 năm ngày Cách mạng tháng Mười Nga tại các địa điểm trên, nhân dân tiếp tục kéo về phủ lỵ Diễn Châu đưa yêu sách. Đoàn biểu tình tổng Lý Trai đi dọc theo tỉnh lộ 38, trên đường đi đã kéo vào Ga Sy và Lính Đoan, một số vây bắt tên quản lan ở Thừa Sủng (xã Diễn Hạnh). Đoàn của tổng Hoàng Trường và tổng Vạn Phần tiến vào Phủ Diễn làm cho Tri phủ Võ Vọng hoảng sợ, phủ đường rối loạn… Bất chấp súng đạn đàn áp của kẻ thù, đồng chí Lê Niêm – tổng chỉ huy cuộc biểu tình đã dương cao cờ đỏ búa liềm, hô vang khẩu hiệu, thúc dục quần chúng tiến lên. Mặc cho đạn địch bắn ra như mưa, cờ đỏ búa liềm vẫn phấp phới tung bay, băng cờ, khẩu hiệu vẫn được dương cao, đoàn biểu tình tiến ngày một gần, chỉ cách phủ lỵ có 10m. Thực dân Pháp đã cho lính xông ra đàn áp đoàn biểu tình làm cho 30 người hy sinh, 8 người bị thương cũng bị đem ra xử bắn trong chiều 7/11/1930. Tuy nhiên cuộc đấu tranh này đã làm cho bộ máy của địch ở các làng xã hoang mang, hoảng sợ, sức mạnh của quần chúng nhân dân khiến cho bọn hào lý địa phương phải bỏ trốn.
Trong hoàn cảnh đó, Chi bộ Nam Khoán đã nắm lấy thời cơ nhanh chóng xây dựng các tổ chức quần chúng, đặc biệt là các tổ chức: Nông hội đỏ, Thanh niên, Phụ nữ, Tự vệ gia tăng áp lực lên bộ máy của địch vốn đã rệu rã. Đình Phượng Lịch lại trở thành địa điểm sinh hoạt, hội họp của chi bộ và nhân dân địa phương. Không khí ở làng Phượng Lịch nói riêng và ở Diễn Hoa nói chung ngày càng nhộn nhịp, ban ngày nhân dân chăm lo sản xuất, tích cực trong đấu tranh còn ban đêm lại lo học tập chính trị, văn hóa thông qua những lớp học chữ quốc ngữ… Những tập tục lạc hậu từng bước bị xóa bỏ, lối sống mới bước đầu được xây dựng.
Hoảng hốt trước bão táp cách mạng, thực dân Pháp dồn sức đàn áp hòng dìm Nghệ Tĩnh trong biển máu… Tại làng Phượng Lịch, chúng đã bắt các đồng chí: Phạm Căn, Vũ Phương, Trần Cầu, Cao Phúc đem tập trung về đình để tra khảo, sau đó giải đi giam ở huyện và tỉnh…
Từ năm 1936 – 1939, Diễn Châu đã có Đảng bộ với 15 Chi bộ gồm 87 đảng viên lấy danh nghĩa của các tổ chức phường hội để làm cơ sở che mắt địch. Ở Phượng Lịch có phường dệt vải và trồng dâu nuôi tằm ra đời và hoạt động rất tích cực. Đình Phượng Lịch trở thành trung tâm hoạt động của các phường hội lúc bấy giờ.
Tháng 10/1944, đồng chí Bùi Tự Cường thay mặt Phủ ủy Diễn Châu về tổ chức Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên tại Phượng Lịch gồm 4 đồng chí đảng viên do đồng chí Phạm Duân làm Bí thư Chi bộ. Dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Phượng Lịch, phong trào cách mạng nơi đây đã phát triển mạnh mẽ trong tầng lớp thanh niên…
Ngày 20/8/1945, các đồng chí trong Đảng bộ huyện Diễn Châu triệu tập Hội nghị khẩn cấp tại đình Phượng Lịch bàn kế hoạch giành chính quyền ở phủ lỵ do đồng chí Phạm Duân trực tiếp chỉ đạo. Để tránh đổ máu cho quần chúng trong cuộc đấu tranh, đồng chí Phạm Hoàn được phân công làm chỉ huy lực lượng tự vệ khống chế quan phủ và tước vũ khí đội lính khố xanh. Số vũ khí thu được gồm 14 khẩu súng đã được cất dấu tại đình Phượng Lịch chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền.
8h sáng ngày 21/8/1945, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc đình Phượng Lịch. Sau khi thu hồi dấu ấn của lý trưởng, đình Phượng Lịch lại trở thành nơi làm việc của Ủy ban khởi nghĩa và là trụ sở của ủy ban hành chính kháng chiến lâm thời của xã Phượng Lịch. Ngôi đình này còn là địa điểm tổ chức bầu cử Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Từ năm 1946, Đình Phượng Lịch là địa điểm diễn ra nhiều hoạt động của phong trào cách mạng, là nơi làm lễ tiễn đưa các lớp trai làng lên đường đánh giặc cứu nước theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tháng 8/1947, Công đoàn Liên khu IV tổ chức Đại hội và triển lãm thành tích kháng chiến tại đình Phượng Lịch trong thời gian 7 ngày, đồng chí Hồ Tùng Mậu – Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Liên khu đã về dự.
Tháng 12/1948, Đại hội liên hoan Thanh niên tỉnh Nghệ An được tổ chức tại đình Phượng Lịch, Thiếu tướng Nguyễn Sơn đã về dự và nói chuyện với Đại hội. Từ năm 1951-1952, đình là địa điểm của xưởng dệt vải Tam Hợp – Diễn Châu để cung ứng vải cho bộ đội Vệ quốc đoàn. Cũng tại ngôi đình này, Sư đoàn 304 đã tổ chức sinh hoạt “rèn quân luyện cán” để chuẩn bị cho chiến dịch Đông Xuân 1951-1952, đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về thăm và nói chuyện với sư đoàn…
Hiện nay, đình Phượng Lịch vẫn là nơi tổ chức hội họp cho thanh thiếu niên và tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ cao niên ở địa phương vào đầu xuân.
Dựa vào thuyết địa lý phong thủy mà cổ nhân đã chọn vị trí xây dựng đình ở giữa một quần cư rất trù mật, quanh đình có làng mạc, cây đa, đình chợ, giếng nước, cùng với nhiều kiến trúc cổ như cổng làng, điếm canh, nhà thánh, đền, chùa. Hiện nay, đình Phượng Lịch nằm giữa một vùng đất rộng, bằng phẳng, bốn bề tiếp giáp với với dân cư và trung tâm chính trị, văn hóa của xã. Cách đình khoảng 100m về phía Tây Nam là trường tiểu học, trường THCS và UBND xã Diễn Hoa. Mặc dù đã trải qua nhiều biến cố lịch sử và nhiều lần tu sửa nhưng ngôi đình này vẫn giữ được dáng vẻ thiêng liêng, cổ kính, hòa quyện với phong cảnh ấm cúng của làng quê.
Trước đây, đình Phượng Lịch có bốn công trình kiến trúc là: tòa đình, nhà hậu cung, nhà tả vu và hữu vu. Hiện nay, đình Phượng Lịch chỉ còn lại tòa đình tọa lạc trên khuôn viên có diện tích rộng 1020m2, xung quanh được xây tường bao, ở trong là khu đất bằng phẳng được trồng nhiều cây xanh vừa tạo bóng mát vừa tôn thêm vẻ đẹp cảnh quan và môi trường của di tích.Cổng đình khá rộng, gồm có 2 cột trụ vuông cao 2m, trên đỉnh có hình cầu. Mặt ngoài có viết đôi câu đối bằng chữ Hán: “Diên niên thu hậu phúc Lũy thế thưởng Trường An”
Một đoạn tường uốn cong nối cột trụ với cột quyết, hai cột quyết cao 3,5m; rộng 0,40m, trên có đấu hình vuông. Qua cổng là đến đoạn đường dài 24m; rộng 3,2m, hai bên bó vỉa bằng gạch cao 0,3m để phân giải đường đi với vườn. Mặt đường được lát gạch Cẩm Trang.
Sân đình dài 20m, xung quanh được xây tường bao, hai góc ngoài của sân xây hai cột trụ hình vuông. Nối đường với hai sân là hai cột nanh, trên đỉnh cột có đắp tượng hai con nghê chầu vào nhau. Trên thân cột viết hai câu đối với nội dung: “Mộc xuất thiên chi do hữu bản Thủy lưu vạn phái tố tùng nguyênVà:
Lễ nhạc uy nghi kính như thần tại Âu ca cổ vũ lạc tại nhân hòa”.
Tòa đình có kiến trúc thời Nguyễn, quy mô lớn, diện tích xây dựng 150m2, nhà quay về hướng nam gồm 5 gian, 6 vì, mỗi vì có 4 cột được kê trên những tảng đá xanh lớn. Các cột được liên kết ngang với nhau bằng hệ thống vì kèo kẻ chuyền, văng và khấu đầu, tất cả được bào trơn, đóng khít, xàm thắt mộng đuôi én tạo nên sự vững chắc. Riêng hai vì ở giữa trốn hai cột cái thay bằng hai trụ tròn, kê trên đấu hình vuông làm cho các gian 2,3,4 rộng rãi thuận tiện trong những khi tế lễ. Xà dọc của các vì có đầu dư chạm hình rồng chầu vào nhau. Các vì được liện kết với nhau bằng các đường xà thượng, xà hạ thượng lương, hoành, khấu đầu, lá mái, tạo thành bộ khung nhà 5 gian rộng rãi, vững chắc. Đình được rải rui bản bằng gỗ lim dày, mái lợp ngói âm dương. Bốn góc nhà đình có xây cột hình trụ vuông rộng để đỡ bốn góc mái…
Trên các bộ phận kiến trúc của đình đều được các nghệ nhân trang trí nhiều họa tiết hài hòa là các đề tài dân gian quen thuộc trong kiến trúc cổ như: rồng phượng vờn nhau, tùng lộc, phượng ngậm thư… với trình độ kỹ thuật tay nghề đạt đến kỹ xảo.
Trên bờ nóc của đình có đắp hình “lưỡng long triều nguyệt” gồm những mảng phù điêu sinh động bằng chất liệu tổng hợp. Các nghệ nhân đã tạo thành những con rồng có màu sắc, thân hình to, khỏe với đầy đủ các bộ phận tạo thành những đường cong mềm mại. Hai đầu kìm hai bên bờ nóc có đắp hình hai con cá sấu chầu vào nhau. Trên bờ giải có hai con nghê quay đầu vào nhau rất sinh động, bốn đầu đao cong vút với hình cá hóa rồng cách điệu và hình chim phượng xòe cánh dáng vẻ uốn cong tạo nên cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát…
Hiện nay bài trí trong đình Phượng Lịch chỉ còn một bức đại tự gắn trên xà bằng gỗ, hình cuốn thư được sơn son thiếp vàng, xung quanh có họa tiết trang trí hình “lưỡng long triều nguyệt” và “tứ linh”, “tứ quý” được chạm trổ công phu, ở giữa có khắc bốn chữ Hán: “Phượng kỷ vạn niên”. Ở phía trên có ghi: “Bảo Đại Nhâm Ngọ xuân”, ở bên phải có ghi “Nguyên Tổng Quang lộc hưu khánh Phạm Hải nhi đại nghi”, bên trái có ghi “Bản xã quần anh thổ đồng bái khánh”…
Không chỉ mang trong mình những giá trị văn hóa Việt quý báu thể hiện trong từng kiến trúc, những nét chạm trổ tinh xảo, nét sơn son bay bổng… đình Phượng Lịch còn là chứng tích ghi dấu thời kỳ đấu tranh rung trời chuyển đất của nhân dân Nghệ Tĩnh năm 1930-1931 và trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Với những giá trị to lớn đó, di tích đình Phượng Lịch xứng đáng là một di tích lịch sử – văn hóa cần được giữ gìn và phát huy giá trị trên mảnh đất Diễn Châu giàu truyền thống cách mạng.

Nguồn: blog Nguyễn Trọng Tạo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

free counters