Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2009

Người họ Phạm lưu danh trên văn bia đình Võ Liệt

Trên văn bia ở đình Võ Liệt (dạng Văn Miếu của tổng Võ Liệt, huyện Thanh Chương)
Bia số 1: Bia ghi đại khoa các triều (tổng số 5 vị)
Bia số 2: Lê triều hương cống bi chí (tổng số 28 vị) cử nhân triều Lê
10. Phạm Bá Thiêm: Quý Hợi (1743) khoa hương cống, chi thụ Giảng dụ, Khắc Sinh phụ (Đời 5, họ Phạm Đức-Quảng Xá).
13. Phạm Khắc Sinh: Giáp Ngọ (1774) khoa hương cống, Canh Tý niên khảo liệu sử xuân trung, Bá Thiêm thứ tử (Đời 6, họ Phạm Đức-Quảng Xá)
24. Phạm Năng Dung: Quốc tử giám sinh
Bia số 3: Lê triều hiệu sinh sinh đồ bi chí (tổng số 262 vị)-tú tài
34. Phạm Viết Huyên?
57. Phạm Huy Quang
80. Phạm Thế Danh (Đời 4, họ Phạm Đức-Quảng Xá)
82. Phạm Viết Hòa?
86. Phạm Viết Bình (Đời 4, họ Phạm Đức-Quảng Xá, cha của HC P. Bá Thiêm)
91. Phạm Viết Dung?
93. Phạm Bá Tích (Đời 5, họ Phạm Đức-Quảng Xá)
122. Phạm Huy Huỳnh (Đời 6, họ Phạm Đức-Quảng Xá)
123. Phạm Gia Hưng (Đời 6, họ Phạm Đức-Quảng Xá, con HC P. Bá Thiêm)
124. Phạm Công Diên (Đời 6, họ Phạm Đức-Quảng Xá, con HC P. Bá Thiêm)
125. Phạm Huy Thước (Đời 6, họ Phạm Đức-Quảng Xá, con HC P. Bá Thiêm)
140. Phạm Văn Quán
141. Phạm Văn Thưởng
199. Phạm Tiến Đức
259. Phạm Huy Cự (Đời 6, họ Phạm Đức-Quảng Xá)
Bia số 4: Hoàng triều cử nhân bi chí (tổng số 36 vị)
27. Phạm Đức Nhiếp (tức Tiệp) Đậu khoa Mậu Tý (1888) đời vua Đồng Khánh (1886-1888). Hương khoa lục ghi là Phạm Đức Nhiếp, đứng thứ 27/37, người xã Sơn Linh, làm quan đến chức Huấn đạo. (Đời 9, họ Phạm Đức-Quảng Xá)
35. Phạm Đức Hoàn: Hương khoa lục ghi là Phạm Đức Khoản, đậu khoa Mậu Ngọ (1918) đời vua Khải Định (1916-1925), đứng thứ 11/15, người xã Sơn Linh, làm quan ở Quốc tử giám. (Đời 10, họ Phạm Đức-Quảng Xá, con CN P. Đức Nhiếp)
Bia số 5: Hoàng triều tú tài bi chí (tổng số 62 vị)
7. Phạm Đức Tư: Mậu Tý (1828)
8. Phạm Đức Mậu: Tân Dậu, tam khoa (Đời 8, họ Phạm Đức-Quảng Xá, cha CN P. Đức Nhiếp)
29. Phạm Văn Đào: Mậu Tý
30. Phạm Đăng Phương: Giáp Ngọ
44. Phạm Lê Trú: Tân Tỵ
45. Phạm Huy Đạo: Ất Dậu
51. Phạm Tiến Dước: Giáp Ngọ, tứ khoa
Bia số 6: Hoàng triều tú tài bi chí (tổng số 52 vị)

Phán đoán hoàn cảnh Thủy tổ Võ Sơn hầu về Quảng Xá

Ðạo dụ của Tây Ðịnh Vương Trịnh Tạc được khắc bia trên Quả Sơn (Đô Lương, Nghệ An) ra đời vào năm Vĩnh Thọ thứ 4 (1661). Giao tranh Trịnh-Nguyễn được nêu trong văn bia chắc chắn đã xảy ra trên đất huyện Nam Ðường. Xã quê ta-Hoàng Xá bấy giờ thuộc Nam Ðường dưới sự cai quản của chúa Trịnh. Tuy nhiên qua văn bia chúng ta biết được lịch sử của vùng đất Lam Giang trong đó có Hoàng Xá thời kỳ đó. Sau đó chúa Nguyễn chiếm lại vùng đất này và Hoàng Xá được đổi tên là Quảng Xá (tránh húy Nguyễn Hoàng).
Từ đấy chúng tôi chợt hiểu rằng nếu biết rõ thời kỳ nhà Trịnh thì có thể biết được lịch sử, hoàn cảnh cụ Thủy tổ Võ Sơn hầu về lập nghiệp tại Hoàng Xá.
Xét ngược từ thời ông Phạm Viết Bình (1672-1736), chúng ta thấy cụ Thủy tổ đưa con cháu về Hoàng Xá cách lúc ông Bình sinh ra không quá 100 năm và không dưới 50 năm. Vì vậy cụ Thủy tổ lúc đó cũng độ ngũ tuần. Xét các đời chúa Trịnh chúng tôi khả nghi nhất giai đoạn Trịnh Tùng nắm quyền là lúc xảy ra biến động mà cụ Thủy tổ phải rời bỏ quyền chức để lánh về miền đất Lam Giang xa xôi đang tranh chấp Trịnh-Nguyễn.
Qua sắc phong của Triều Lê Trung Hưng cho Võ Sơn hầu và các con chúng ta khẳng định rằng gia đình cụ Thủy tổ chúng ta là người phò tá nhà Lê. Ðiều đó nên hai người con cụ Tổ cũng được phong là Hoa Lộc bá, Cao Bình quận. Lúc đó hai ông đã trưởng thành.
Theo tài liệu Tạp chí Quê Hương trên Internet của Kênh thông tin của Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài: Trong thời Trịnh Tùng có hai sự kiện vua Lê muốn loại bỏ Trịnh Tùng không thành.
-Thứ nhất: năm 1572, lúc này vua Lê chúa Trịnh đang ở Thanh Hóa.
Năm Nhâm Thân-1572, Lê Cập Đệ mưu giết Trịnh Tùng bị lộ, Lê Cập Đệ bị Trịnh Tùng giết chết. Vua Lê Anh Tông sợ hãi đang đêm đem 4 hoàng tử chạy vào thành Nghệ An. Trịnh Tùng đưa hoàng tử thứ 5 của vua Lê là Duy Đàm lên làm vua, hiệu là Lê Thế Tông.
-Thứ hai: năm 1619, lúc này vua Lê chúa Trịnh đã chiếm lại Thăng Long từ nhà Mạc.
Trước sự hống hách lộng quyền của chúa Trịnh, vua Lê Kính Tông đã cùng với con Trịnh Tùng là Trịnh Xuân mưu giết Trịnh Tùng. Việc bại lộ, Trịnh Tùng bức vua thắt cổ chết, lúc đó mới 32 tuổi. Tùng đưa thái tử Duy Kỳ lên ngôi vua là Lê Thần Tông.
Chúng tôi thấy vào lần biến loạn thứ nhất cách lúc ông Bình sinh đúng 100 năm, là lúc có thể cụ Thủy tổ còn chưa trưởng thành (ông Tú Bình đời 4, nên xét cách 3 đời tính trung bình mỗi đời 35 năm là cách 105 năm).
Chúng tôi khả nghi nhất là lần biến loạn thứ hai, năm 1619 khi đó cụ Thủy tổ đã là võ quan, có gia quyến, con đã trưởng thành, cùng Phù Lê Diệt Trịnh. Nhưng việc bất thành vua Lê bị giết, lực lượng ủng hộ phải chạy loạn nhằm tránh sự truy sát của chúa Trịnh. Từ Thăng Long cụ Thủy tổ theo đường về quê đón người nhà ở Ðông Thành cùng vào đất Hoàng Xá.
Việc phong tước cho cha con cụ Thủy tổ nhiều khả năng được phong sau này khi các vị đã sống ở Hoàng Xá. Lúc này Trịnh Tùng qua đời (1623), thế lực chúa Trịnh không còn mạnh nữa, các vua sau kế nghiệp xét công trạng của các vị đối với nhà Lê mà phong tước. Ðiều này là hoàn toàn có thể vì nếu trước khi chạy loạn mà cụ Thủy tổ đã là Võ Sơn hầu thì thế lực không nhỏ, nhưng trên thực tế chúng ta thấy rằng họ ta từ trước cũng khá giản dị, chất phác (thường là ông đồ, làm về văn hóa giáo dục-từ đời 4, ông Tú Bình đã là thầy đồ). Nhưng về đời trước cụ Thủy tổ, nhiều khả năng các vị cũng có vị trí đáng kể, một cơ sở để cụ Thủy tổ được phong Võ Sơn hầu.
Một điều mà chúng tôi thấy khó hiểu, trước đây các vị xưa ghi chép về Tổ Tiên khá kỹ. Nhưng một không hề có thông tin gì về gốc gác họ ở Ðông Thành và hoàn cảnh chuyển về Thanh Chương. Có lẽ chính vì biến loạn nên phải mai danh ẩn tích chăng? Hay sách của các cụ xưa bị thiêu trụi hết?
Một điều có thể thấy rằng đức Trung Chính khá rõ ở các vị, các Cụ đã không quá bước theo nhà Nguyễn điều này chúng ta thấy rõ qua nội dung văn bia ở Quả Sơn được dựng lên mấy chục năm sau.
Ðể hiểu rõ về các vị từ Thủy tổ đến ông Tú Bình cần nghiên cứu kỹ giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh, đặc biệt những vụ binh biến phù Lê.

Can Tả Hương cống Phạm Khắc Sinh với dòng họ

Hậu duệ đời thứ 6 của Thủy tổ Võ Sơn hầu có vị Hương cống Phạm Khắc Sinh được các đời sau truyền gọi là Can Tả.
Thời Tây Sơn, Can Tả được sắc vua Quang Trung phong:
Chương-Đường nhị huyện dân sư
(Thầy của dân hai huyện Thanh Chương-Nam Đường )
Là thầy dân hai huyện Thanh Chương-Nam Đàn thuở ấy, vừa chăm nom nền Văn hóa giáo dục, Can Tả vừa phải đảm đương thêm những việc xã hội khác, việc xử kiện chẳng hạn.
Giai thoại về vụ kiện hai làng hai bên bờ sông tranh nhau chiếc bãi soi bồi quãng sông Lam gần núi Nguộc (Ngọc Sơn) kể rằng:
Về phía trên bãi soi (doi), can Tả cho thả quả bưởi giữa dòng sông rồi xem quả bưởi trôi vào lạch sông nào mà phân định thắng bại cho đôi bên. Làng thắng kiện xin hậu tạ nhưng ông một mực từ chối. Can Tả coi đó là điều thuận lẽ Trời mà họ được hưởng còn ông thì lo cho tròn bổn phận của người cầm cân nẩy mực mà hết sức công tâm, không được kể công sá ân huệ gì với ông ở đây cả.
Về đạo sắc vua Quang Trung (1788-1792) phong cho ông, rất tiếc là nay không còn ở nhà thờ Can Tả nữa.
Số là thế này: tháng 6-1963, trên đường từ Hà Nội về thăm quê, tôi[1] gặp anh Trần Đình Hượu bên bờ (tả ngạn) sông Mã, nơi đầu cầu Hàm Rồng về phía Bắc. Trong khi trò chuyện, anh Hượu nói: “Mấy tháng trước, mình có về lấy đạo sắc của Can Tả ở nhà thờ Họ các ông”. Tôi hỏi tới lý do thì anh Hượu nói đến việc tìm hiểu chữ Nôm thời Quang Trung và việc xếp hạng danh nhân văn hóa. Khi lưu ý về việc bảo quản báu vật thì anh Hượu nói: “Mình để ở Viện Bảo tàng Lịch sử”.
Qua đi cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Rồi lại qua đi hơn vài chục năm anh em ly tán, cách trở xa xôi.
Mãi tới cuối năm 1993, tôi mới dời về Vinh ở. Anh em bàn nhau tìm lại đạo sắc. Anh Phạm Đức Thớc bèn viết thư ngay cho anh Trần Đình Hượu. Thư chưa kịp tới nơi thì đã có tin buồn: Giáo sư Trần Đình Hượu từ trần.
Mong rằng các con cháu đời thứ 12, 13... của Đức Tổ sống ở Hà Nội lưu tâm tìm được đạo sắc của Can Tả đã lưu lạc trên 30 năm nay.
Can Tả không những có tài về chính sự mà tương truyền ông còn giỏi về thuật phong thủy. Từ việc làng nước dò tìm long huyệt để đặt đường sá, định hướng miếu mạo, đền đài... đến việc gia tộc họ hàng như chăm nom nhà thờ, phần mộ-về địa lý phong thủy, Can Tả còn tạo nên những gò đống bổ sung vào hình thế, địa hình tự nhiên-chẳng hạn Hòn Bút, Hòn Nghiên nhằm cho đời đời con cháu mai sau bảng vàng đỗ đạt, cho dù Ngài tự biết rằng do động chạm nhiều tới Thiên cơ mà riêng mình sẽ bị hãm.
Can Tả-Hương cống Phạm Khắc Sinh là con thứ hai của Hương cống Phạm Bá Thiêm (1710-1768). Được thụ chức Giảng dụ [Huấn đạo?] nên các đời sau gọi ông Cống Phạm Bá Thiêm là Can Giảng Dụ. Can Giảng Dụ là con cả can Sinh đồ Phạm Viết Bình (1672-1736).
Ngày xưa, hai ông đi đò dọc qua bến Thanh Đàm (nay là xã Nam Tân, Nam Đàn). Qua đây, hai cha con các vị có trò chuyện với nhau về nguồn gốc Tổ tiên. Can Tả chép lại như sau:
“Xưa, tiên công ta (tức là cụ Giảng Dụ) đi thuyền với cụ thân sinh qua bến Thanh Đàm. Cụ nói với cụ Giảng Dụ rằng:
-Tổ ta từ huyện Đông Thành đến đây hai anh em. Một ông vào ở làng này. Một ông vào ở giáp Thọ Sơn, thôn Địa Linh, xã Hoàng Xá tức vị Thủy tổ ta ngày nay”.
Về nguồn gốc họ Phạm ta-họ Phạm Đức ngày nay-ở xã Hoàng Xá nay là xã Thanh Long và Thanh Hà (huyện Thanh Chương, Nghệ An) trong bản dịch chữ Hán của mình, ông Phạm Đức Lệ (1906-1986) viết:
“Sách xưa chép: Tổ ta quán ở huyện Đông Thành. Đến vùng này có hai anh em. Một ông vào Bích Triều, thôn Đặng Xá. Một ông vào xã Quảng Xá, thôn Địa Linh, giáp Thọ Sơn là ông Thủy tổ ta ngày nay.”
Tóm lại, Thủy tổ ta là Võ Sơn hầu Phạm Viết Trù (Ghi theo sắc phong để ở nhà thờ Đại tôn) hay còn gọi là Phạm Khắc Trù (?) quán tại Đông Thành nay là huyện Yên Thành, Tỉnh Nghệ An.
Võ Sơn là địa danh, rất có thể là tên một ngọn núi. Còn hầu là tước, ở đây thuộc hạng quốc hầu.
Về nguồn gốc của Thủy tổ Võ Sơn hầu ta, câu đối của Cử nhân Phạm Đức Hoàn (1889-1954) ở nhà thờ Đại tôn còn ghi:
Đông Võ nguyên lai gia hữu thặng
Linh Sơn mạch diễn tộc nhi hương
Có thể tạm hiểu nôm na rằng: Thủy tổ Võ Sơn hầu nguồn gốc từ Đông Thành vốn nhà quyền quý tới sinh cơ lập nghiệp ở đất Linh Sơn (Địa Linh-Thọ Sơn) này, giòng tộc tiếp tục nảy nở sinh sôi thành làng xã đông đúc.
Tộc nhi hương-họ mà đã thành làng-từ trước đến nay. Từ làng quê cha đất Tổ xứ Hoàng Xá xa xưa, hậu duệ Thủy tổ Võ Sơn hầu Phạm Viết trù đã sinh cơ lập nghiệp rải rác nhiều nơi.
Cuối thế kỷ 18, theo Can Tả chép lại thì: “Bỏ quê đi Sơn Nam có Phạm Văn Di, ra Thăng Long có ông Đỉnh, ông Khoa và ông Nhã; vào Phú Xuân có ông Liên, thư ký Ý”.
Can Tả còn chép: “Hai anh em Phạm Dương thì một đi Phú Xuân, một đi Thăng Long”.
Liệu ngày nay ở Huế, Hà Nội và các nơi khác như Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên... đâu đó con cháu có ai còn chép được những ông Tổ họ Phạm có các quý danh như trên không? Xin dành phần trả lời cho các thế hệ đời 12, 13, 14,... sinh sống ở các vùng trên hiếu tâm tìm kiếm.
Hậu duệ đức Tổ Võ Sơn hầu không những rải suốt từ Bắc chí Nam ở trong nước mà còn ra cả nước ngoài làm ăn, cư trú. Chẳng hạn đời 10 có ông Phạm Đức Kham (Phiềng) sang tận Thái Lan làm ăn và hoạt động cách mạng trước cả ông Đặng Thúc Hứa (1870-1931), lập gia đình bên đó, biệt hẳn tung tích.
Mai sau, cảnh xuất ngoại chắc hẳn nhiều hơn. Khác với thời Can Tả, nay ly quê là hiện tượng lành mạnh cần được khích lệ. Có điều, dù đi đâu, ở đâu và thời nào đi chăng nữa-con cháu họ Phạm của đức Tổ Võ Sơn hầu-cũng nên luôn biết chung lòng góp sức, kề vai sát cánh cùng nhau hướng về Tổ tiên mà đùm bọc nâng đỡ nhau trong tình máu mủ cho trọn nghĩa đồng bào.
[1] Ông Phạm Đức Huân (1938-2004)-đời 11. Người biên soạn cuốn Gia phả chi họ Can Nhiêu Nam Phạm Bá Sảnh.

Lời giao ước

Cố ta[1] xưa là cửa thứ phải lên chịu cửa trưởng. Đến nay, tiên khảo ta[2] tay không mà dựng nên cơ nghiệp: Niên hiệu Cảnh Hưng Bính Tí [1756] làm nhà thờ. Đến năm Mậu Tí [1768] lúc hiển khảo ta lâm chung, người nhà xin dặn lại việc sau, Người nói:
“Con cháu phải lo giữ gìn nhà thờ cẩn thận, lo tu bổ mãi mãi và con cháu phải lo chăm chỉ học hành không được lười biếng, bỏ học.”
Nay thân mẫu ta phân thư di chúc mà lập lời giao ước như sau:
Có một ngôi nhà thờ, tộc trưởng muốn thịnh vượng thì cứ tùy ý mà tô vẽ miễn sao cho khéo, cho đẹp. Nếu tộc trưởng thế làm không nổi thì con cháu các cửa phải đồng tâm hiệp lực giàu xuất của, nghèo xuất sức để tu bổ làm thế nào cho vững vàng chắc chắn trăm đời không di dịch.
Nếu ai lấy nê rằng đã phân chi biệt phái rồi, đời càng lâu thì tình càng xa, biệt lập từ đường khác mà không đoái hoài đến gốc rễ căn bản cũng như do giàu nghèo mà suy bì lẫn nhau đến nỗi bỏ nhà thờ hư nát thì kẻ ấy phải mang lấy tội bất hiếu.
Lại từ nay về sau, con cháu các cửa, ai chăm lo học hành mà thi Hương dự trúng tứ trường [cử nhân] thì cả Họ, già trẻ nên chiếu bổ theo sức đóng, góp lại 15 quan tiền cấp cho người thi đậu làm lễ bái yết Tổ tiên. Nếu khoa thi ấy trúng nhiều người thì cũng chỉ cấp chừng ấy tiền mà thôi.
Chỉ có hai việc ấy, con cháu về sau ai có lòng hiếu thảo nên giữ lấy lời tiên khảo ta đã di chúc để thỏa lòng mong muốn của tiên khảo ta.
Con cháu hãy cố gắng!
Nay giao ước: Phạm Bá Uông ký, Thứ nam: cựu Hương cống Phạm Khắc Sinh ký, Phạm Huy Liêm ký, Phạm Gia Cảnh ký,
Sinh đồ Phạm Gia Hưng ký, Phạm Văn Quế ký.
[1] Cố đây là ông Phạm Viết Nhân-Đời 3
[2] Hương cống Phạm Bá Thiêm (1710-1768)-Đời 5

Tổ ta Từ Đông Thành chuyển vào có hai anh em

Tổ ta Từ Đông Thành chuyển vào có hai anh em. Một ông là cụ Võ Sơn hầu, còn một nhánh nữa thế nào?
Can Tả-Hương cống Phạm Khắc Sinh là con thứ hai của Hương cống Phạm Bá Thiêm (1710-1768). Ðược thụ chức Giảng dụ [Huấn đạo?] nên các đời sau gọi Cống Phạm Bá Thiêm là Can Giảng Dụ. Can Giảng Dụ là con cả can Sinh đồ Phạm Viết Bình (1672-1736).
Ngày xưa, hai vị đi đò dọc qua bến Thanh Ðàm (nay là xã Nam Tân, Nam Ðàn). Qua đây, hai cha con các vị có trò chuyện với nhau về nguồn gốc Tổ tiên. Can Tả chép lại như sau:
Xưa, tiên công ta (tức là cụ Giảng Dụ) đi thuyền với thân sinh qua bến Thanh Ðàm. Cụ nói với cụ Giảng Dụ rằng:
-Tổ ta từ huyện Ðông Thành đến đây hai anh em. Một ông vào ở làng này. Một ông vào ở giáp Thọ Sơn, thôn Ðịa Linh, xã Hoàng Xá tức vị Thủy tổ ta ngày nay.
*
Về nguồn gốc họ Phạm ta-họ Phạm Ðức ngày nay-ở xã Hoàng Xá nay là xã Thanh Long và Thanh Hà (huyện Thanh Chương, Nghệ An) trong bản dịch chữ Hán của mình, ông Phạm Ðức Lệ (1906-1986) viết:
Sách xưa chép: Tổ ta quán ở huyện Ðông Thành. Ðến vùng này có hai anh em. Một ông vào Bích Triều, thôn Ðặng Xá. Một ông vào xã Quảng Xá, thôn Ðịa Linh, giáp Thọ Sơn là ông Thủy tổ ta ngày nay.
Một ông vào ở làng này thì chắc ai cũng hiểu rằng ông anh hoặc ông em Thủy tổ ta-cụ Tổ này đã vào sinh cơ lập nghiệp ở làng Thanh Ðàm này-phải không? Ðến đây, chúng tôi suy nghĩ theo hai hướng:
a) Một ông vào làng Bích Triều thôn Ðặng Xá ấy chính là cụ Tổ đã vào làng Thanh Ðàm. Thế là cụ đã dời từ Nam Ðàn về Thanh Chương? Nếu vậy, tiện nhất, cụ đã theo đường thủy ngược sông Lam lượn qua quãng núi Ðụn, núi Trăm,... qua xã Nam Thượng, Nam Ðàn bây giờ rồi đổ lên bến đò Phuống xã Bích Triều, nay là xã Thanh Bích, Thanh Giang của Thanh Chương (hữu ngạn sông Lam). Hai anh em cụ Tổ bấy giờ chỉ cách nhau dăm sáu ki-lô-mét là cùng mà sao không còn dấu vết gì về một họ Phạm ở Phuống có quan hệ khăng khít với họ Phạm ở xã Quảng Xá ta? E không đúng vì ông Tú Bình (đời 4), ông Cử Thiêm (đời 5) còn nhắc tới cụ lên ở đất Thanh Ðàm (Nam Ðàn) kia mà?
Cho nên nói Sách xưa chép: Một ông vào làng Bích Triều thôn Ðặng Xá sợ rằng mức độ chính xác không cao. Vả lại, xuôi làng Thanh Ðàm (xã Nam Tân) sát bờ sông Lam xưa cũng có thôn Ðặng Xá của xã giáp giới với Nam Tân. Liệu có nhầm lẫn giữa hai thôn trùng tên này khi chép lại không?
b) Chúng tôi nghĩ cụ Tổ này không về Bích Triều, Thanh Chương mà rất tin vào ông Tú Bình là cháu 4 đời phải biết về người anh em của cụ Cố Võ Sơn hầu mình rất rõ, hiểu thật tường tận ngọn ngành mới dám chỉ bảo cho con là ông Cử Thiêm khi qua bến Thanh Ðàm.
Vậy cụ Tổ này sinh cơ lập nghiệp ở làng Thanh Ðàm, xã Nam Tân (xã này bỏ bờ sông dời vào núi có lẽ đầu 1979). Phải chăng cụ là Thủy tổ họ Phạm ở Thanh Ðàm mà hậu duệ là ông đề-lại Phạm Hưng? Hậu duệ cụ Tổ này có thể có một chi họ ở xã Nam Ðông? Nghe nói ở xã này có rất nhiều người mang họ Phạm Viết. Lại có thể là hậu duệ của cụ đã vượt Nam Ðàn qua Ðức Thọ (Hà Tĩnh) để lập nên họ Phạm Khắc bên đó? Hỏi chuyện một ông giáo giòng họ Phạm Khắc này, ông ta nói cụ Phạm Khắc Hòe đã đi đối chiếu gia phả nói rằng cụ Tổ gốc Yên Thành, cũng là cụ Phạm Tướng công.
Thủy tổ tự xưng: “Khắc Trù chính thức là ta!” Vậy đức Tổ Phạm Viết Trù còn có tên là Phạm Khắc Trù? Hậu duệ của Ngài ở đời 6 có Hương cống Phạm Khắc Sinh cùng 5 con trai (đời 7): Phạm Khắc Cảnh, Phạm Khắc Xương, Phạm Khắc Huồng, Phạm Khắc Phong, Phạm Khắc Thông. Biết đâu cụ Tổ lên ở đất Thanh Ðàm cũng mang họ Phạm Viết và Phạm Khắc mà hậu duệ ở Hà Tĩnh đã mang họ Phạm Khắc. Chuyến hành hương ra Yên Thành tìm họ, người đầu tiên cần gặp là nhà giáo hưu trí Phạm Khắc Hiệu gần ngã ba Công Thành mang họ Phạm Khắc-xem ra gần gũi với họ ta?
Ấy là chút lòng gửi lại là gợi cho con cháu tìm hiểu về cội nguồn Tổ tiên. Phải kịch liệt chống mê tín dị đoan và hiểu thật đúng thế nào là duy tâm, thế nào là mê tín dị đoan thì ta mới chống được triệt để.
Chúng tôi không muốn con cháu tin vào điều thần bí vừa kể mà chỉ muốn con cháu biết suy ngẫm, nghiên cứu để có những hiểu biết đúng đắn về những điều bí ẩn đó. Vả lại, phép đồng cốt cũng gặp nhiều sai lầm khi có vong linh bất hảo nhập vào đồng nói vu vơ những điều nhằm thỏa mãn bản ngã cá nhân. Bởi vì bình sinh họ sống đầy dục vọng, ham mê danh lợi chức quyền nên giờ đây họ hay tự xưng là đấng này đấng nọ phán bảo lung tung.

Họ Phạm Đức - Quảng Xá không đổi từ gốc Mạc sang

Theo sắc phong hầu của đức Tổ dưới thời Lê Trung hưng: Thủy tổ Phạm Viết Trù có công dẹp Mạc ở Đàng Ngoài hoặc cả Nguyễn ở Ðàng Trong. Tuổi thanh niên của Ngài ước chừng vào cuối đời Lê Thế Tông (1573-1599) nên Ngài có công dẹp Mạc Mậu Hợp (1562-1592). Lúc này, con cháu Mạc chưa phải đổi họ và Thủy tổ ta đã mang họ Phạm rồi.
Mặt khác, căn cứ vào các tài liệu về họ Phạm gốc Mạc thì chưa thấy bóng dáng Họ ta. Cuốn Họ Phạm ở Nghệ Tĩnh từ gốc Mạc Cao Bằng lưu hành quãng 1979-1980, không có Họ Phạm ta. Cuốn Các chi phái họ Mạc do Mạc Lương Sơn (Hoàng Cao Quí) biên tập 9-1998, trang 26 chỉ ghi chi họ Phạm Văn ở Thanh Long, Thanh Chương cùng họ tên người liên lạc không phải Họ ta. Cuốn Mạc Tộc phả do Mạc Hoài Hương (Phạm Tú) biên soạn 4-1997 ở trang Thời kỳ đổi họ ở Yên Thành Nghệ An tuyệt nhiên không có họ Phạm. Ðiều đó chứng tỏ rằng: họ Phạm vốn có ở Yên Thành không từ gốc Mạc.
Chúng tôi nghĩ rằng, họ Phạm ta rất có thể là một nhánh nhỏ, hậu duệ rất rất xa đời Thủy tổ là danh tướng Phạm Tu (476-545) là Thượng Thủy tổ họ Phạm Việt Nam.

Tế tổ Rằm tháng Giêng năm Kỷ Sửu 2009

Dòng họ Phạm thuộc Thủy tổ Võ Sơn hầu – Phạm Tướng công Phạm Khắc Trù có nhà thờ đại tôn ở xã Thanh Long, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An là một dòng họ lớn. Tại nhà thờ còn lưu giữ đôi câu đối do Thị giảng học sĩ, Cử nhân Phạm Đức Hoàn (1889-1954) là hậu duệ đời thứ 10 viết về dòng họ:
Đông Võ nguyên lai gia hữu thặng
Linh Sơn mạch diễn tộc nhi hương
(Nghĩa là: Ngài Võ Sơn hầu trước ở Đông Thành (Diễn Châu, Yên Thành) nhà có một cỗ xe – chỉ ngài là con nhà tướng
Ở Linh Sơn (Địa Linh và Thọ Sơn nay thuộc xã Thanh Long và Thanh Hà) đang có một dòng họ phát triển như một làng)
Trong những năm qua, dòng họ đã tôn tạo và xây dựng nhà thờ Đại tôn một hệ thống nhà thờ ở các trung tôn, tiểu tôn và các chi họ, trong đó có nhà thờ và đồ tế khí được làm bằng gỗ mít với kiến trúc và bài trí khá tôn nghiêm. Rằm tháng giêng hàng năm là ngày tế Tổ tại nhà thờ Đại tôn.
Năm nay, hàng trăm con cháu xa gần đã về dự lễ tế Tổ. Sau lễ tế và dâng hương tôn nghiêm tưởng nhớ tiên tổ, Hội đồng gia tộc và con cháu đã tổ chức buổi gặp mặt. Con cháu vui mừng trước những việc mà cộng đồng dòng họ đã làm được trong năm qua:
- Thảo luận và thống nhất kế hoạch tiến hành di dời mộ tổ bà về bên cạnh mộ tổ ông và xây dựng lại lăng mộ Thủy tổ. Con cháu xa gần đã tự nguyện đóng góp đủ kinh phí cho công trình này
- Dòng họ đã lập được bản phả hệ khá đầy đủ với 15 đời lưu huyết và phát triển. Bản phả hệ được in bằng giấy ảnh dài 3,4m rộng 1,27m trên nền vàng chữ đỏ tôn nghiêm. Con cháu xa gần quây quần xem bản phả hệ và định vị được mình trong họ hàng.
Với niềm vui đó, Hội đồng gia tộc và con cháu đã thống nhất một số việc làm trong năm 2009:
- Tôn tạo được lăng mộ ông – bà thủy tổ
- Thu thập tư liệu từ các chi, các gia đình để biên tập lại Gia phả của Họ
- Lập quỹ khuyến học mang tên thủy tổ Võ Sơn hầu, ngay tại buổi gặp mặt con cháu xa gần có điều kiện đã đóng góp quỹ được hơn 8 triệu đồng.
Trưởng họ nói lời chia tay với mong muốn hoàn thành các công việc trên và hứa hẹn sẽ nâng cao chất lượng lễ tế để phần hành lễ trong lễ tế năm sau trang nghiêm hơn.
Dòng họ đã kết thúc Lễ tế và buổi họp mặt con cháu trong không khí của ngày Nguyên tiêu Kỷ Sửu ấm áp.
Phạm Đức Hữu

Thống kê một số người họ Phạm Đức-Quảng Xá xa xứ sở

1. Anh em Thủy tổ - đời 1 đến vùng ven sông Lam (Thanh Giang, Thanh Chương hoặc Nam Tân, Nam Đàn ). Theo sách cũ của Họ
2. Con út của Thủy tổ- đời 2 ở tại làng Minh Đạt, Đông Thành. Có thể là xã Vân Hội đầu nguồn sông Bùng
3. ông Ðỉnh, ông Khoa, ông Nhã- đời 5 đi Thăng Long Đại tôn, chi thứ 2
4. ông Liên - đời 6 đi Phú Xuân (Huế) Đại tôn, chi thứ 2
5. Phạm Sanh - đời 7 lên miền trên, phía tây Nghệ An Đại tôn, chi thứ 2 em Phạm Trụ
6. Sinh đồ Phạm Bá Tích, sống thời Tây Sơn- đời 5 Không rõ nơi đến Trung tôn, chi thứ 2 . 43 tuổi, phát điên rồi đi mất. Cha Phạm Tuân.
7. Phạm Huy Cứ, Phạm Huy Viên- đời 6 cùng vợ con bỏ đi huyện Ðông Thành núi Tròn mà mất tích Trung tôn, chi thứ 2 hai anh em; bác Phạm Ðoan
8. Phạm Văn Lạp, Phạm Văn Ấm, Phạm Văn Duệ - đời 7 đến Đông Thành Đại tôn, chi thứ 2 . 3 con ô Phạm Huy Huỳnh
9. Phạm Văn Khuê, Phạm Văn Đức, Phạm Văn Bẩm - đời 8 có hậu duệ ở Đông Thành Đại tôn, chi thứ 2, 3 con ô Phạm Văn Duệ
10. Phạm Văn Hiến (- đời 7) con: Lê Phạm Thường, Lê Phạm Phẩm. làm con nuôi họ Lê ở Thổ Hào, Bích Triều; đổi họ Lê Trung tôn, chi thứ 2, con thứ 2 ô Phạm Trọng Hoán
11. Hai anh em Phạm Dương - đời 7 Người đi Phú Xuân, người đi Thăng Long. Là Phạm Dương Cự và Phạm Dương Xuân? Trung tôn, chi thứ 2
12. Phạm Văn Di - đời 8 đi Sơn Nam Đại tôn, chi thứ 2
13. Thư ký Ý - đời 8 đi Phú Xuân
14. Phạm Ðức Kham (Phiềng) - đời 10 sang Thái Lan hoạt động CM , Trung tôn, chi thứ 2

Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2009

Tóm tắt thông tin về họ Phạm Đức - Quảng Xá


(kích chuột vào hình để xem ảnh phóng to)




1. Quê quán: xã Thanh Long và Thanh Hà, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Hai xã này xưa là xã Hoàng Xá (chúa Nguyễn cai quản đổi thành Quảng Xá) thuộc tổng Võ Liệt, Thanh Chương, Nghệ An.
2. Nguồn gốc: Từ Đông Thành (địa danh xưa, nay là 2 huyện Diễn Châu, Yên Thành), Nghệ An.
3. Thủy tổ: Cụ VÕ SƠN HẦU, PHẠM VIẾT TRÙ
Cụ còn được gọi Phạm Khắc Trù, Phạm Tướng công.
Làm võ tướng dưới triều Lê. Sắc phong năm 1924 của vua Khải Định: “Dực bảo Trung hưng linh phù tôn thần”.
Ngày mất: 29 tháng 9.
Cụ bà: Đinh Thị… (chính thất). Bà là con gái đầu. Hiệu là Từ Thiện An Nhân. Ngày mất: 27 tháng Chạp.
Các cụ sống thời Lê Trung hưng, cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17.
4. Ngày tế tổ: Rằm tháng Giêng
5. Sinh hạ: -Con cả: Hoa Lộc bá, Phạm Viết công, tên tự là Ngộ Đạo;
-Con thứ: Cao Bình quận, Phạm Viết công, thụy là Quý Hoà.
6. Một số người tiêu biểu trong họ
· Đời 5: Hương cống Phạm Bá Thiêm (1710-1768) làm quan Giảng dụ
· Đời 6: Hương cống Phạm Khắc Sinh-con ông Bá Thiêm, thường gọi là Can Tả, làm Chương Đường nhị huyện dân sư thời Tây Sơn.
· Đời 9: Cử nhân Phạm Đức Nhiếp (1849-1904)-con ông Đức Mậu, đỗ CN năm 1888. Làm quan Giáo thụ.
· Đời 10: Cử nhân Phạm Đức Hoàn (1889-1954)-con ông Đức Nhiếp, đỗ CN năm 1918. Làm Hàn lâm viện Thị giảng học sĩ và được chuyển lên làm việc tại Thư viện Bảo Đại ở Huế.
7. Thông tin kết nối dòng tộc: Nay con cháu chủ yếu sinh sống ở Thanh Chương, Thành phố Vinh, Hà Nội,… đã phát triển đến đời thứ 15. Nhiều người rời quê hương ra Bắc vào Nam từ thời Tây Sơn đến trước năm 1945, có cả đi hoạt động ở Thái Lan, nay vẫn không có thông tin.

Liên hệ: Ông Phạm Đức Nguyên (tộc trưởng)
Đội 3, xã Thanh Hà, Thanh Chương, Nghệ An. ĐT: 038. 393 5469


Ông Phạm Đức Lý (Chủ tịch HĐGT)
Đội 5, Thanh Long, Thanh Chương, Nghệ An.
ĐT: 098.6987560 / 038.3935713
free counters